4 Cách xử lý triệt để tình trạng nhảy Aptomat (MCB) khi khởi động màn hình LED

4 Phương pháp xử lý triệt để tình trạng nhảy Aptomat - MCB khi khởi động màn hình LED hoặc các lộ mạch chiếu sáng

Theo phần nội dung phần trước, Nam Hải LED đã chia sẻ tới các bạn nguyên nhân của hiện tượng nhảy Aptomat. Trong phần này, Nam Hải LED tiếp tục chia sẻ với các bạn 4 phương pháp xử lý triệt để hiện tượng này.
Các bạn có thể đọc nội dung hoặc xem Video trực quan bên dưới.
Những chia sẻ dựa trên kinh nghiệm và số liệu đo kiểm thực tế. Còn điều gì sai sót mong các bạn góp ý, chia sẻ thêm.
 

1. Dòng khởi động khi khởi động màn hình LED hay các lộ mạch chiếu sáng là bao nhiêu:

Theo kiểm chứng thực tế của Nam Hải LED bằng thiết bị đo chuyên dụng, dòng một dòng điện khởi động (Inrush current) tăng tức thời với mỗi lộ mạch cấp nguồn cho màn hình LED hay các lộ mạch chiếu sáng có thể đạt đỉnh từ 150A đến ~400A. Dòng điện khởi động càng cao khi số lượng các bộ nguồn AC/DC phía sau lớn.
Giá trị này đã tăng tới giới hạn tác động  bảo vệ (trip) của MCB, dẫn tới tình trạng MCB nhảy trip để bảo vệ cho mạng điện.

Xem thêm: Nguyên lý làm việc của MCB và nguyên nhân nhảy MCB bị nhảy khi khởi động màn hình LED tại đây
 

2. Tìm hiểu 4 phương pháp xử lý tình trạng nhảy MCB khi khởi động màn hình LED:

1. Sử dụng cầu chì thay cho MCB:
Với chức năng bảo vệ quá tải và ngắn mạch của cầu chì, việc dòng điện Inrush current tăng trong tích tắc không làm cháy dây chì. Tuy nhiên phương án sử dụng cầu chì thay cho MCB có những nhược điểm sau:
- Việc thay thế dây chì sẽ phức tạp hơn so với việc reset lại trạng thái của MCB.
- Cầu chì sẽ không phù hợp và an toàn khi đóng cắt lộ điện mang tải.
- Phải chọn loại cầu chì phù hợp, chất lượng tốt.
Với kinh nghiệm thực tế, chúng tôi khuyên các bạn không nên sử dụng phương pháp này.

2. Sử dụng bộ giới hạn dòng điện khởi động (Inrush current limiters):
Các bộ Inrush current limiter được lắp đặt phía sau MCB và phía trước các bộ nguồn AC/DC sẽ hoạt động hiệu quả ngăn cản sự gia tăng của dòng khởi động đến ngưỡng tác động bảo vệ (trip) của MCB. Việc sử dụng các bộ giới hạn dòng điện khởi động này giúp chúng ta tăng được số lượng các bộ nguồn cho mỗi lộ mạch.
Tuy nhiên phương pháp này cũng sẽ tăng chi phí đầu tư cho tủ cấp điện màn hình.

3. Sử dụng MCB theo đặc tính tải:
MCB được chế tạo theo các đặc tính tải khác nhau để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Các MCB đặt tính A, B (Type A, Type B) được khuyến cáo sử dụng cho các phụ tải nhạy cảm, phụ tải dân dụng. Các MCB Type C, Type D được khuyến cáo sử dụng cho các phụ tải có dòng khởi động cao và rất cao (như động cơ, phụ tải chiếu sáng cần các bộ chuyển nguồn AC/DC hay như màn hình LED). Các MCB Type C, Type D được bán phổ biến trên thị trường nên dễ dàng sử dụng.

4. Giới hạn số lượng bộ nguồn trên mỗi lộ mạch cấp điện:
Nếu không quan tâm tới việc sử dụng MCB theo đặt tính, các bạn có thể xử lý bằng các mẹo sau:
Chia nhỏ lộ mạch cấp ra màn hình LED làm sao để số lượng bộ nguồn AC/DC chỉ nhỏ hơn 10 bộ trên mỗi lộ mạch.
Tuy nhiên với tư vấn của chúng tôi, các bạn nên kết hợp sử dụng phương án 3 kết hợp với phương án 4 thì chắc chắn sẽ không còn hiện tượng nhảy Aptomat nữa.

Chi tiết Video chia sẻ 4 phương pháp xử lý triệt để hiện tượng nhảy Aptomat - MCB:
 

 
Trân trọng cảm ơn!